Logo Dr Minh Loader

CÁC LOẠI MẢNH GHÉP TỰ THÂN DÙNG TRONG TẠO HÌNH DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC (DCCT)

MẢNH GHÉP GÂN CƠ BÁN GÂN VÀ GÂN CƠ THON (gân hamstring, gân chân ngỗng): Là nguồn gân ghép phổ biến nhất được sử dụng trong tạo hình dây chằng chéo khớp gối nói chung và DCCT nói riêng. Mảnh ghép này có nhiều ưu điểm bao gồm: Dễ lấy gân, ít ảnh hưởng đến chức năng khớp gối, có cơ sinh học gần giống với dây chằng chéo, có thể sử dụng với nhiều phương tiện cố định mảnh ghép khác nhau, dễ liền, an toàn cho người bệnh. Vì thế hầu hết các phẫu thuật viên ưa dùng cho người bệnh.

MẢNH GHÉP GÂN BÁNH CHÈ (dây chằng bánh chè): Mảnh ghép này có 2 nút xương, 1 đầu là xương bánh chè và 1 đầu là xương chày. Mảnh ghép gân cơ bánh chè đã từng được coi là mảnh ghép chuẩn mực trong tạo hình dây chằng chéo bởi các lý do sau: 1. Gân bánh chè có cơ sinh học gần giống với dây chằng chéo. 2. Do có 2 nút xương nên mảnh ghép rất dễ liền trong đường hầm xương đùi và đường hầm xương chày. Tuy nhiên khi sử dụng mảnh ghép gân bánh chè người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ đau mặt trước khớp gối do việc lấy gân bánh chè gây nên. Một điều chú ý người Việt Nam có thể trạng nhỏ nên xương bánh chè và gân bánh chè có kích thước bé, khi lấy gân bánh chè rất có nhiều nguy cơ vỡ xương bánh chè và đứt gân bánh chè.

MẢNH GHÉP GÂN TỨ ĐẦU ĐÙI: Mảnh ghép này có 1 nút xương là xương bánh chè còn đầu còn lại là dải gân của gân cơ tứ đầu. Lấy mảnh ghép gân cơ tứ đầu người bệnh cũng đối diện với vấn đề đau mặt trước khớp gối và nguy cơ vỡ xương bánh chè như mảnh ghép gân bánh chè.

MẢNH GHÉP GÂN CƠ MÁC BÊN DÀI: Gần đây, một số tác giả sử dụng gân cơ mác bên dài trong tạo hình DCCT. Tuy nhiên sự hi sinh gân cơ mác bên dài để tạo hình DCCT không được nhiều tác giả ủng hộ.

MẢNH GHÉP TỪ DẢI CHẬU CHÀY: Trước kia được sử dụng trong tạo hình DCCT nhưng ngày nay ít được sử dụng do cơ sinh học của dải chậu chày không giống với DCCT và sự phổ biến của những mảnh ghép đã trình bày ở trên.

Tin liên quan

Menu