Logo Dr Minh Loader

ĐAU KHỚP GỐI: NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT (phần 2)

CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN

Khám bệnh
Để xác định nguyên nhân đau khớp gối, người thầy thuốc sẽ thăm khám để phát hiện các dấu hiệu toàn thân cũng như tại khớp gối:
– Đánh giá mức độ sưng nề, tràn dịch khớp, dấu hiệu nóng đỏ hoặc bầm tím tại khớp.
– Kiểm tra trục chi dưới.
– Kiểm tra biên độ vận động của khớp.
– Kiểm tra độ vững của khớp để đánh giá sự toàn vẹn của dây chằng.

Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh có thể được sử dụng:
– X quang khớp gối: Phát hiện gãy xương, u xương, thoái hóa khớp.
– Chụp cắt lớp vi tính: Để đánh giá tổn thương xương và dị vật nội khớp.
– Siêu âm: Đánh giá phần mềm bên trong và xung quanh khớp gối.
– Cộng hưởng từ: Đánh giá tổn thương dây chằng, sụn chêm, sụn khớp và các gân cơ.

Xét nghiệm:
– Xét nghiệm máu và dịch khớp gối có thể được chỉ định trong một số tình trạng bệnh lý nhằm chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị đau khớp gối rất thay đổi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị nội khoa:
Nhiều bệnh lý khớp gối có thể điều trị bằng cách dùng thuốc. Dùng thuốc để kiểm soát đau khớp gối và điều trị nguyên nhân gây bệnh.

Vật lý trị liệu:
– Tăng sức mạnh gân cơ xung quang khớp gối sẽ làm cải thiện sự vững chắc của khớp gối. Tập luyện có thể tập trung vào tăng sức mạnh của một số nhóm gân cơ nhất định như gân tứ đầu đùi, gân cơ chân ngỗng, gân cơ nhị đầu đùi… Tập luyện để tiếp đất đúng cách và tăng khả năng giữ thăng bằng cũng rất cần thiết trong nhiều môn thể thao.
– Sử dụng đệm lót đế giày chỉnh hình cũng có thể được áp dụng cho một số trường hợp thoái hóa khớp gối. Ngoài ra nẹp/ băng chun cũng có thể bảo vệ và hỗ trợ khớp gối.

Tiêm thuốc nội khớp:
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm trực tiếp thuốc vào bên trong khớp gối. Các thuốc được chỉ định tiêm vào khớp gối có thể là:
– Corticosteroids: Là thuốc chống viêm dùng để giảm đau cho những trường hợp viêm khớp. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp viêm khớp đều có thể dùng và đáp ứng với corticosteroid.
– Acid hyaluronic: Có độ nhớt giống dịch khớp, giúp giảm đau và cải thiện độ linh hoạt của khớp.
– Huyết tương tươi giàu tiểu cầu: Được lọc từ chính máu người bệnh. Cung cấp yếu tố phát triển (GF) để làm giảm viêm và tăng khả năng phục hồi thương tổn.

Phẫu thuật:
Nếu bạn có tổn thương khớp gối cần phẫu thuật, thông thường nó không phải là một phẫu thuật tối cấp cứu mà có thể lên kế hoạch điều trị. Cần cân nhắc giữa lợi ích và những khó khăn của phẫu thuật cũng như hiệu quả của phẫu thuật với các biện pháp điều trị không phẫu thuật để có quyết định đúng đắn. Phẫu thuật can thiệp khớp gối có thể là:
– Phẫu thuật nội soi giải quyết các tổn thương bên trong khớp gối.
– Phẫu thuật chỉnh hình: lấy u xương và tái tạo lại phần xương khuyết thiếu, đục xương sửa trục.
– Phẫu thuật thay khớp gối một khoang hoặc thay khớp gối toàn bộ.

LỐI SỐNG VÀ CÁCH KHÁC PHỤC TẠI NHÀ

– Uống thuốc giảm đau kháng viêm không cần kê đơn (acetaminophen, ibuprofen, naproxen) có thể làm giảm đau khớp gối. Một số thuốc bôi tại chỗ cũng có tác dụng giảm đau.
– Tự chăm sóc sau khi bị chấn thương khớp gối bao gồm: Nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép và gác chân cao.
– Một số lựa chọn khác:
+ Glucosamine và chondroitin: Sự phối hợp của 2 thực phẩm chức năng trên có thể cải thiện tình trạng đau khớp gối do thoái hóa khớp.
+ Châm cứu: Là một biện pháp giảm đau trong thoái hóa khớp.

CHUẨN BỊ NHỮNG GÌ KHI ĐẾN KHÁM BÁC SĨ

Khi bị đau khớp gối bạn có thể đi khám bác sĩ gia đình (bác sĩ đa khoa), hoặc các bác sĩ chuyên khoa xương khớp như bác sĩ nội khoa xương khớp, bác sĩ chấn thương chỉnh hình hoặc bác sĩ y học thể thao.
– Trước khi đến gặp bác sĩ bạn nên trả lời trung thực những câu hỏi:
– Đau khớp gối đã diễn ra trong bao lâu?
– Có chấn thương cụ thể nào khởi phát tình trạng đau khớp không?
– Triệu chứng đau khớp xảy ra liên tục hay từng đợt?
– Mức độ nặng của triệu chứng: ảnh hưởng tới toàn thân, hoạt động thể lực, hoạt động sinh hoạt hàng ngày?
– Cái gì làm cho triệu chứng đau khớp tăng lên hay giảm đi?
– Triệu chứng kèm theo đau khớp gối là gì?
– Các thuốc và thực phẩm chức năng đã và đang dùng?

Tin liên quan

Menu