Logo Dr Minh Loader

ĐỨT DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC: NÊN MỔ THỜI ĐIỂM NÀO?

Trong thực hành ngoại khoa, các phẫu thuật viên có một khái niệm “timing surgery” dùng để chỉ thời điểm mổ thích hợp cho người bệnh bị mắc bệnh ngoại khoa cần điều trị phẫu thuật. Trong đứt DCCT cũng không ngoại lệ, các bác sĩ phẫu thuật cũng đặt ra câu hỏi nên mổ vào thời điểm nào thì tốt cho người bệnh và người bệnh khi tìm kiếm sự chăm sóc y tế cũng luôn thắc mắc khi nào thì nên mổ.

Trong y văn, khái niệm mổ tạo hình DCCT sớm hay muộn sau chấn thương (cấp tính, bán cấp, mạn tính) cũng không thống nhất. Không có mốc thời gian cụ thể nào để phân định thế nào là mổ tạo hình DCCT sớm hay muộn sau chấn thương khớp gối. Mỗi tác giả đưa ra một phân loại riêng nên nhiều khi dẫn đến sự mơ hồ cho các bác sĩ phẫu thuật và người bệnh.

Mổ tạo hình DCCT sớm trong những tuần đầu sau khi chấn thương làm tăng đáng kể tỷ lệ người bệnh bị viêm dính khớp gối sau mổ, dẫn đến hạn chế biên độ vận động khớp gối sau mổ. Ở các nước có nền y tế phát triển, hầu hết người bệnh tập phục hồi chức sau mổ trong các trung tâm phục hồi chức năng dưới sự kiểm soát của các bác sĩ phục hồi chức năng và phẫu thuật viên mà tỷ lệ hạn chế vận động khớp gối sau mổ còn khá cao. Ở Việt Nam, khi người bệnh còn chưa có điều kiện tập phục hồi chức năng sau mổ tại bệnh viện và còn thiếu đội ngũ phục hồi chức năng chuyên nghiệp dành cho chấn thương thể thao thì hạn chế vận động khớp sau mổ sẽ là vấn đề lớn đối với người bệnh.

Mổ tạo hình DCCT muộn sau chấn thương, khi người bệnh đã bị mất vững khớp gối trong một thời gian dài sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ người bệnh có tổn thương sụn chêm và sụn khớp phối hợp. Theo số liệu nghiên cứu của Hội phẫu thuật nội soi khớp Pháp, có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ người bệnh có dấu hiệu thoái hóa khớp gối ở nhóm người bệnh đứt DCCT được mổ sau chấn thương 12 tháng. Theo số liệu nghiên cứu của Na Uy, không có mối quan hệ giữa thời gian từ khi bị chấn thương cho đến khi mổ với tổn thương thứ phát sụn chêm và sụn khớp ở trẻ em bị đứt DCCT (dưới 16 tuổi) nhưng có sự gia tăng đáng kể tỷ lệ người bệnh có tổn thương sụn chêm và sụn khớp ở người trưởng thành đứt DCCT được mổ muộn sau chấn thương với mỗi tháng mổ muộn sau chấn thương thì tỷ lệ tổn thương thứ phát tăng lên 1%.

Các nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, mổ tạo hình DCCT nên thực hiện ở thời điểm ít nhất 3 tuần sau khi chấn thương nhằm hạn chế biến chứng viêm dính khớp gối dẫn đến hạn chế biên độ vận động khớp gối.

Hội chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ năm 2014 đã đưa ra khuyến cáo dựa trên các bằng chứng y khoa rằng, người bệnh bị đứt DCCT có chỉ định mổ tạo hình DCCT nên mổ trong khoảng thời gian trong vòng 5 tháng sau khi bị chấn thương khớp gối nhằm bảo vệ khớp gối khỏi các tổn thương thứ phát.

Ngoài ra, việc chuẩn bị tâm lý cho người bệnh, lên kế hoạch cho người bệnh trước mổ, các tổn thương kèm theo của khớp gối phối hợp, tình trạng chức năng khớp gối trước mổ (ví dụ không hoặc tràn dịch khớp gối ít, cơ tứ đầu đùi đủ khỏe và không bị teo cơ, biên độ vận động hết tầm…) là những yếu tố quyết định đến thời điểm phẫu thuật.

Tin liên quan

Menu